Sự Trăn Trở Của Một Kẻ Lười Biếng

Clip "sự trăn trở của một kẻ lười biếng" đã gây chấn động trong cư dân mạng. Một học sinh lớp 12 đã dũng cảm lên tiếng trăn trở về nền giáo dục của nước nhà suốt một tiếng đồng hồ.  

 Những điều điều mà nhân vật trong clip nói, xét cho cùng không mới, như bệnh thành tích, học vẹt, dối trá trong thi cử, nhồi sọ, áp đặt một chiều, thủ tiêu tư duy độc lập và năng lực sáng tạo. Nhưng cái độc đáo của em là ở chỗ, đó là dám nói thẳng và mạnh dạn đưa ra giải pháp như hãy bỏ ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT.  Đặc biệt hơn, độc đáo hơn, là những suy tư, thao thức đó lại là của một cậu học trò lớp 12.  


Sự Trăn Trở Của Một Kẻ Lười Biếng

  “Đánh giá nhau không quan trọng là anh biết được bao nhiêu, mà là anh làm được bao nhiêu với những gì anh biết? Học về thuyết lượng tử ánh sáng mà không lắp được bóng đèn thì học làm gì? Học về phương pháp lai phân tích, quy luật di truyền mà trồng một cái cây không lớn nổi thì học làm gì”. Đó là những gì em nói và mong muốn những người đi học đừng tự hào những gì mình biết, mà hãy tự hào những gì mình đã áp dụng được, đã làm được từ những gì mình biết...

 Một số quan điểm trong bài thuyết trình rất hùng biện của em này sẽ còn phải tranh luận, tất nhiên là thế. Nhưng chưa bàn đến chuyện đúng-sai, bỏ qua tài năng hùng biện hiếm có của em, hãy nghe kỹ nội dung bài nói của em sẽ thấy rất nhiều người trong chúng ta thua xa một em học sinh. Người lớn chúng ta, phụ huynh, trí thức, thậm chí là đội ngũ giáo viên, cao hơn nữa là các nhà quản lý giáo dục, có được mấy ai thao thức với nền giáo dục đất nước như em. Không phải thao thức bằng sự kêu ca, than vãn hay mắng chửi, mà nghiên cứu sâu sắc, có hệ thống và phản biện, đưa ra các giải pháp cũng có hệ thống. Những điều em nói trong hơn một giờ cho thấy em đã suy nghĩ và nghiên cứu rất kỹ lưỡng, không phải bằng lý trí mà bằng cả trái tim.

Clip của em học sinh lớp 12 sẽ khiến không ít người trong chúng ta phải suy nghĩ lại. trước hết là về nền giáo dục của nước nhà, sau đó chính là về cách học tập của mỗi học sinh, sinh viên chúng ta. Có bao giờ bạn nhìn lại và cảm thấy quá lãng phí khi dành quá nhiều thời gian và tiền bạc để học những thứ mà giờ đây bạn không cần chút nào hết và cũng chẳng biết chúng đã đi đâu hết? Chúng ta đang phải nhồi nhét quá nhiều những thứ dường như không cần thiết, nó giống như có người bắt ép chúng ta phải mua một thứ gì đó mà chúng ta không thể sử dụng, rồi cũng phải vứt đi. Vậy đâu là những kiến thức không cần thiết?  Xét trong môi trường đại học, Bạn là một sinh viên chuyên nghành IT, vậy tại sao bạn lại phải học cả vật lý đại cương rồi là toán cao cấp... Học để có tư duy ư? logic ư? bốn năm THCS,ba năm THPT chưa đủ sao??? Khi đã vào đại học đa phần sinh viên cũng đã xác định được mục tiêu, cũng như niềm đam mê của riêng mình. Bạn đam mê IT và tất nhiên sẽ không để bất kỳ lí do nào làm cản trở niềm đam mê đó. L.Tonxtoi đã nói: "Cần phải lựa chọn một cách nghiêm ngặt xem nên học gì và không nên học gì". Nhưng không học thì làm sao được thi, mà không thi thì làm sao ra được trường... Và đương nhiên bạn vẫn phải học, nhưng học một cách chống đối, học để thi. Bạn sẽ luôn tìm mọi cách để không phải cố nhồi nhét cái thứ mà bạn và tôi cho là "vô bổ" đó vào đầu nữa. Vì thi xong rồi thì làm gì với nó? vứt đi và thở phào nhẹ nhõm, dành nhiều chỗ hơn cho những đam mê....  

Trong khi đợi nền giáo dục thay đổi,  hãy thay đổi về chính bản thân chúng ta. Thay đổi về suy nghĩ, thái độ học tập, thay đổi về phương pháp học tập, phải hiểu những gì mình đang học, và luôn đặt câu hỏi mình học để làm gì. Mỗi chúng ta nên đặt một mục tiêu rõ ràng riêng cho mình để phấn đấu và học tập một cách tốt nhất.  Hãy tìm cho mình một niềm đam mê và theo đuổi nó đến cùng, bạn sẽ thấy cuộc sống chậm lại!